Sunday, February 9, 2014

[04.03.2011] Phỏng vấn Gong Hyo Jin của 10Asia (phần 2)



Q: Nhưng giống như việc chúng ta cần có những công nghệ tái chế mới để bảo vệ môi trường, có những vấn đề không phải là chuyện có thể giải quyết được chỉ với nỗ lực của một cá nhân.
GHJ: Thực ra tôi cũng đã từng nghĩ như vậy khi hoàn thành xong cuốn sách, rằng chuyện giải quyết các vấn đề môi trường phải tùy thuộc rất nhiều vào chính phủ. Ta lấy việc tái chế rác làm ví dụ chẳng hạn, chính phủ sẽ cần bắt đầu bằng cách sửa đổi các khoản luật liên quan đến xử phạt hành chính những người xả rác bừa bãi, vì họ cứ vứt lung tung như vậy thì chỗ rác đó sẽ không được đem đi tái chế đúng không. Tôi muốn đề cập chi tiết hơn đến những vấn đề này trong cuốn sách tiếp theo, nhưng trong thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy điều quan trọng là ít nhất thì mình cũng sẽ mang lại một vài thay đổi nhất định trong thói quen sống của những người đọc đến Gong chek. Đó là lý do tại sao tôi quyết định viết về việc chi tiêu. Hầu hết độc giả của cuốn sách này đều đang trong độ tuổi 20, các em bắt đầu đi làm kiếm tiền và sẽ là những cá nhân có sức mua rất lớn. Mọi người thường xả stress bằng cách tiêu thật nhiều tiền trong các trung tâm mua sắm trực tuyến và tôi cảm thấy dường như chúng ta làm việc cật lực ngày đêm để kiếm tiền rồi chỉ dùng vào việc mua sắm vậy.
 
Q: Vậy chốt lại là chị đã đi từ các vấn đề môi trường, đến chi tiêu, rồi cả lối sống nữa (cười).
GHJ: Tôi từng đọc trong cuốn "No Impact Man" rằng tính ra thì thu nhập trung bình theo ngày sẽ cao hơn nếu chúng ta dành 2-3 tiếng tự nấu ăn ở nhà. Nhưng nếu chúng ta không làm được như vậy thì sẽ phải mua thức ăn sẵn, tức là sẽ phải kiếm nhiều tiền hơn để có thể chi tiêu nhiều hơn và sau cùng là lại tạo ra nhiều rác hơn. Thoạt đầu tôi nghĩ, "Đang nói cái gì thế không biết?" (cười) nhưng rồi tôi lại nhận thấy mình cũng phần nào giống như vậy. Như khi bạn phải làm thêm giờ chẳng hạn, đến lúc về bạn sẽ muốn đi taxi hơn là đi bộ hay bắt xe bus phải không, chúng ta sẽ tiêu nhiều tiền hơn để bù lại cho sự mệt mỏi về thể chất vì đã làm việc quá nhiều. Chuyện này đúng là một vòng luẩn quẩn, thế nên lúc viết tôi bắt đầu có những suy nghĩ rất phức tạp. Đây là một vấn đề khó với tôi và các độc giả nên tôi muốn đề cập đến nó kĩ hơn trong cuốn sách tiếp theo.
 
Q: Vậy là chị sẽ viết một cuốn sách nữa?
GHJ: Tôi đã cố tình để lại vài vấn đề cho cuốn sách thứ hai. Theo cách nào đó thì tôi có chút lo lắng rằng nó sẽ không được yêu thích như cuốn đầu tiên (cười). Cuốn thứ hai sẽ phức tạp hơn và càng đi vào chi tiết thì sẽ càng thấy buồn vì đến nay vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề mà tôi định bàn đến. Độc giả sẽ nghĩ "Vậy cô ấy muốn chúng ta phải thế nào đây? Chẳng có gì mình có thể làm được cả". Nhưng tôi đoán mình không dừng lại được. Thế nên người ta mới nói giải quyết các vấn đề môi trường chính là đi thuyết phục nhau. Tôi sẽ phải khiến cho mọi người cảm thấy quan tâm, như thể cố gắng quyến rũ họ vậy (cười), giống như nói với họ "đây là một việc tốt đẹp" hay "đó là một việc rất hay".  

Q: Nếu như vậy, tôi nghĩ chị đã làm rất tốt khi nói về những trải nghiệm cá nhân của mình, bởi vì sau khi đọc xong Gong chek thì tôi có cảm nhận rất rõ rệt về việc không dùng dầu gội đầu khi tắm (cười).
GHJ: Tôi thấy cứ ép mọi người nghe mãi một chuyện như thế thực sự có hiệu quả đấy (cười). Tôi có mấy người bạn trước đây đã từng nói là không quan tâm đến những chuyện này, nhưng giờ vì tôi mà họ bắt đầu thay đổi rồi. Tôi tin rằng từ trong tiềm thức ai cũng mong muốn trở thành người tốt. Khi trả lời phỏng vấn như thế này, thế nào cũng có người nghĩ "Cô này nói thế chỉ để bán được nhiều sách hơn thôi chứ gì" (cười), nhưng tôi tin rằng việc cứ nhắc đi nhắc lại những vấn đề này là rất quan trọng. Nó sẽ cổ vũ mọi người bắt đầu làm những việc mà họ vẫn luôn do dự. Luôn tâm niệm rằng một cá nhân cũng có thể tạo ra sự khác biệt và điều đó sẽ giúp được bạn và cả thế giới nữa.
 
Q: Không phải những suy nghĩ như vậy cũng sẽ làm thay đổi cách sống của chị sao? Có một đoạn trong Gong chek kể rằng chị trao đổi sách và quần áo với bạn bè nhưng để làm được điều đó thì phải tập cách không so sánh giá trị của những món đồ ấy với nhau.
GHJ: Tôi nghĩ mình quan tâm đến môi trường là do tính cách bản thân thôi. Tôi rất nhạy cảm và lúc nào cũng để tâm xem người khác đang nghĩ gì (cười), còn cố gắng đoán ra cảm nhận của mọi người nữa. Khi ở cùng bạn bè, tôi cứ liên tục nghĩ đến những chuyện như "Có lẽ cô ấy đói rồi chăng?", hay "Mình nhớ cô ấy đã nói là có một cuộc hẹn nữa phải đi cơ mà?". Thế nên mỗi lần tổ chức tiệc sinh nhật là tôi cứ bứt rứt không yên (cười), bởi vì tôi luôn để ý xem mọi người cảm thấy thế nào, có cần gì không, có gì bất tiện không. Tôi nghĩ mình quan tâm đến cây cối và những con vật cũng theo cách đó... Tôi quan sát chúng để xem liệu cái cây này có cần thêm ánh sáng mặt trời không, hay chú chó của tôi có muốn đi dạo một lúc không.
 
Q: Khi suy ngẫm về môi trường như vậy, chúng ta rồi sẽ nhận ra rằng mọi cá thể trên hành tinh này đều đáng quý như nhau phải không, và rằng mình chẳng phải là người đặc biệt gì cả để mà có thể dùng mọi thứ theo ý thích bản thân. Tuy nhiên, tại trường quay thì các diễn viên luôn là trung tâm của mọi việc và họ đôi khi phải lên tiếng khẳng định ý kiến của mình. Hai chuyện này chẳng phải có chút mâu thuẫn hay sao?
GHJ:
Đúng như bạn nói. Khi quay phim, người diễn viên phải luôn quyết đoán đối với một số chuyện nhất định, nếu không sẽ có những lúc thảm lắm (cười). Theo một cách nào đấy thì việc diễn các cảnh nóng nảy hay tức giận đôi khi trông rất "phong độ". Khán giả sẽ nghĩ "Sao anh ấy có thể diễn mà không hề thấy sợ hãi như vậy nhỉ? Hẳn là một diễn viên giỏi!". Thực ra đó là hình mẫu mà tôi đã từng hướng đến (cười), như khi hào hứng gọi một cốc cà phê rồi bỏ dở không uống hết để trông có vẻ cool (cười). Sau đó tôi nhận ra mình không phải tuýp người như vậy. Tôi đã từng cố gắng để
dù ở trong hoàn cảnh nào thì mình vẫn luôn trông thật tự tin đẳng cấp khi diễn. Nhưng rồi đột nhiên tôi bắt đầu nghĩ mình như thế mới thật xấu tính. Công việc luôn đặt tôi vào tâm điểm chú ý và phải xuất hiện thật chỉn chu hoàn hảo. Mọi người thường nghĩ tôi hẳn là người mạnh tay chi tiêu mà không phải đắn đo gì, tuy nhiên thực ra tôi là kiểu người tắm trong vòng có 10 phút thôi và dùng một chiếc khăn tắm rất nhiều lần. Thế nên tôi bắt đầu tự hỏi tại sao mình lại không bộc lộ khía cạnh này của bản thân nhỉ?

Q: Tôi đoán giữa con người thật của chị và con người chị muốn trở thành là cả một khoảng cách lớn?
GHJ:
Thời niên thiếu tôi đã từng muốn mọi người nghĩ mình là một người nổi loạn. Bạn biết đấy, ở trường luôn có những đứa trẻ như thế mà, cứ nghĩ rằng được làm đàn anh cầm trịch tất cả bọn học sinh thì còn phong độ gấp mấy lần làm lớp trưởng, rồi còn khạc nhổ, nhai kẹo cao su nhóp nhép, đấm đá loanh quanh nữa (cười). Tôi đã từng muốn mình cũng như thế. Tất nhiên bây giờ thì hết rồi (cười) mặc dù cũng có những lúc tôi mong mình có thể ra vẻ phong độ bất cần hơn. Dần dần, tôi thấy trở thành một người cẩn thận tỉ mỉ, quan tâm đến môi trường còn cool hơn nhiều, và rằng sẽ đến lúc mà thái độ nghiêm túc đối với mọi chuyện của mình sẽ được mọi người đón nhận.

Q: Chị có nghĩ rằng thái độ ấy ảnh hưởng đến diễn xuất không? Có vẻ như trong các dự án gần đây, chị diễn ngày càng chuẩn xác hơn, đặc biệt là trong Pasta cùng với nam diễn viên Lee Sun-gyun. Dường như chị chú ý nhiều hơn đến tương tác với bạn diễn, hay đến tình hình toàn cảnh trong bếp hơn là cố gắng làm cho mình nổi bật hẳn lên.
GHJ:
Một khi bắt đầu quan tâm đến những vấn đề môi trường như thế này thì việc diễn những vai chi tiêu hoang phí quả là rất khó khăn. Có lẽ tôi sẽ phải quyết định rằng đóng vai con gái của một gia đình giàu có thực sự không hợp với mình. Tất nhiên, trừ phi đó là một dự án cực hay (cười). Công việc của một diễn viên giúp tôi được nhiều người yêu quý. Cứ mỗi dự án, thông thường tôi sẽ gặp khoảng 50-100 nhân viên trong đoàn quay. Phim đóng máy, chúng tôi tạm biệt nhau rồi sau đó sẽ gặp lại ở những dự án khác. Tuy nhiên, có nhiều người tôi mới chỉ gặp lần đầu nên để có thể hợp tác thật tốt, tôi thường trò chuyện cùng họ, hy vọng cả hai bên có thể chia sẻ tình cảm và quý mến nhau hơn. Tôi nghĩ đó là cách mình trở nên chú ý đến các mối quan hệ tại trường quay, đến cách mình tiếp nhận từng dự án. Đó có thể coi là điểm mạnh trong diễn xuất của tôi.

Q: Đúng là chị rất để tâm đến các mối quan hệ và suy nghĩ của người khác về mình.
GHJ:
Từ khi còn nhỏ tôi đã luôn cố gắng để có thể hòa hợp với các bạn (cười), để có thể nhìn ra người khác đang cảm thấy thế nào và biết được chuyện gì đang diễn ra. Tôi là kiểu người nỗ lực để duy trì mối quan hệ êm ấm tốt đẹp chứ không phải để được lãnh đạo mọi người hay trở thành tâm điểm chú ý gì hết.

Q: Tôi nghĩ vì thế mà chị đóng rất nhiều vai hay quan tâm chăm sóc người khác. Ngay cả trong Pasta, nhân vật Hyun-wook của anh Lee Sun-gyun cũng dần dần dựa vào Yoo-kyung nhiều hơn.
GHJ:
Chuyện nó như vậy đấy (cười). Một ngày đẹp trời tự dưng tôi nhận ra mình đang kiểm soát Bếp trưởng (cười). Hôm ấy tôi đang cùng cả đoàn xem một tập phim trên TV và mọi người cứ bảo là Yoo-kyung thật tinh quái (cười). Tôi biết mình chính là người hóa thân vào cô ấy nhưng đúng là trông Yoo-kyung rất tinh quái khi cô ấy dùng biểu cảm để kiểm soát Hyun-wook.

(còn tiếp)

Nguồn: 10Asia 
Nguyên gốc tiếng Anh của phần dịch: tại đây 
Phần 1: tại đây; Phần 3: tại đây

Bài phỏng vấn được dịch bởi Viễn Dương (shipper91@kitesvn.com). Mong các bạn không dùng bài dịch vào mục đích thương mại hay re-post lên các websites/forums khác. Hãy dẫn link trực tiếp nếu muốn chia sẻ bài viết này. Cám ơn các bạn rất nhiều!

No comments:

Post a Comment